Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch Việt Nam, nhu cầu về phòng khách sạn tăng lên, đây là đòn bẩy cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển.
Nhu cầu rất lớn.
Theo thống kê của ngành Du lịch Việt Nam, năm 2017 cả nước đón được 12,9 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa. Dự báo tới năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa sẽ tăng trưởng đạt 100 triệu lượt khách, nhu cầu về bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục tăng cao.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam là rất lớn, vì ngành du lịch tăng trưởng với tỷ lệ khá cao 30-40% và tương lai có thể tiếp tục tăng trưởng hơn. Du lịch Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những nơi tăng trưởng du lịch mạnh trên thế giới, khả năng tăng về bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hoàn toàn phù hợp.
Báo cáo của CBRE, đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 300.000 phòng lưu trú (loại 3 sao trở lên). Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tổng lượng phòng khách sạn từ 3 sao trở lên tại các thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Phú Quốc, Đà Lạt… mới có khoảng 102.758 phòng. Các thành phố du lịch lớn tại Việt Nam cần thêm khoảng gần 78.000 phòng khách sạn lưu trú. Đây là những con số hết sức ấn tượng và “màu mỡ” cho giới đầu tư địa ốc.
Hệ số sử dụng phòng khách sạn tại Hà Nội, TPHCM và các khu du lịch nghỉ dưỡng đạt mức cao (trên 90%), việc đặt phòng vào các dịp nghỉ lễ rất khó khăn. Nhu cầu về phòng nghỉ tại các khu du lịch rất lớn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hướng tới phân khúc này.
Condotel (căn hộ khách sạn), vila resort (biệt thự du lịch) là loại hình bất động sản mới xuất hiện tại Việt Nam vài năm gần đây. Sự xuất hiện của mô hình condotel/resort tại Việt Nam đã tạo nên một xu hướng đầu tư mới. Năm 2017 thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận, Quảng Ninh… đã có tới hơn 22.800 căn hộ du lịch được chào bán, với số giao dịch thành công là hơn 12.500.
Bên cạnh đó, có rất nhiều dự án đầu tư trên quy mô lớn ở những nơi mà có tiềm năng du lịch ví dụ như: Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… Đặc biệt thời gian tới lại có 3 đặc khu hành chính – kinh tế thì khả năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng còn mạnh hơn nữa. Đây là điều kiện cần để kinh tế du lịch Việt Nam hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Khung pháp lý cần hoàn chỉnh, thống nhất.
Tuy nhiên, do là loại hình bất động sản mới, chưa được điều chỉnh tại các quy định pháp luật có liên quan, vì vậy gây nhiều khó khăn trong việc quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân cũng như doanh nghiệp. Đặc biệt là việc cấp sổ đỏ cho căn hộ condotel, officetel đang gặp vướng mắc. Các vấn đề liên quan đến tính pháp lý của các phân khúc bất động sản mới đang được Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên & Môi trường nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đầu tư xây dựng và kinh doanh condotel, officetel.
Với những phát sinh trong tranh chấp bất động sản nghỉ dưỡng, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết: “Chúng ta cứ nói khung pháp lý thiếu nhưng chúng ta vẫn có thể áp dụng pháp luật hiện tại một cách linh động để xử lý những trường hợp phát sinh tranh chấp. Cuộc sống luôn phát triển, vận động và đừng bao giờ nghĩ rằng cuộc sống dừng lại để chờ pháp luật”.
Việc thực thi pháp luật phải được hướng dẫn, thống nhất từ các cơ quan trung ương đến địa phương. Hiện tại đang có tình trạng mỗi địa phương xử lý một kiểu, vì vậy mà tạo ra lộn xộn trên thực tế. Cùng một dự án condotel mỗi nơi xử lý một khác, Khánh Hòa xử lý với dự án Bavico khác, không tìm được sự đồng thuận của các bên, trong khi Bình Định xử lý rất tốt với dự án của FLC.
“Ở đây câu chuyện là chúng ta có thể hướng dẫn áp dụng pháp luật một cách thống nhất trên cơ sở pháp luật hiện hành chứ không có vấn đề gì về pháp luật. Đây chính là khuyết điểm của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương làm không tốt, vì vậy để mỗi địa phương một cách xử lý khác nhau” – Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.
Xem Thêm: Loạt chính sách mới tác động đến thị trường bất động sản 2018