Nhiều người hiểu nôm na từ phong thủy là gió và nước, trong khi 5 yếu tố của bộ môn phong thủy là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ không có gió.
- Hiểu đúng về thủy.
Theo các chuyên gia phong thủy, trong hai yếu tố phong và thủy, thì yếu tố thủy là hữu hình, là cái chúng ta có thể nhìn thấy, chạm vào và cảm nhận được, nếm được. Thủy bốc hơi, có sự chênh áp, tạo ra gió; gió cũng như không khí lại vô hình.
Khi gặp điều kiện thích hợp, hơi nước tạo thành mưa, tích tụ thành nước. Tức từ cái hữu hình luân chuyển thành cái vô hình, rồi từ cái vô hình lại chuyển thành hữu hình, tương tác qua lại và luân hồi. Do đó, cụm từ “phong thủy” có ý nghĩa chỉ sự hữu hình và vô hình trong bộ môn phong thủy.
Chúng luôn tồn tại song song và tương tác chuyển hóa qua lại với nhau, đây chính là ý nghĩa của từ phong thủy. Do đó, cách gọi phong thủy là gió và nước sai, bản thân nó là một từ ghép, là một thể thống nhất không thể tách rời.
Theo kiến trúc sư Hoàng Trà, Giám đốc Công ty Kiến trúc xây dựng dân dụng Hà Nội, Trưởng ban phong thủy – Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, đúng ra, trong bộ môn này phải gọi đầy đủ là Địa lý phong thủy.
Bộ môn Địa lý phong thủy bao gồm các khoa dùng thuật toán: ngũ hành, âm dương (toán nhị phân mà chúng ta thấy đang áp dụng nhiều trong điện thoại, máy tính) và hệ thập phân là 10 thiên can, hệ 12 địa chi (hệ theo tá), hệ bát quái và cửu tinh. Tuy nhiên, bộ môn này muốn áp dụng được phải dựa trên cơ sở địa lý (bộ môn Loan Đầu), kết hợp với luận về Long mạch, Khí mạch, Thiên khí, Địa mạch…
Luận sâu vào yếu tố thủy trong phong thủy, chúng ta thấy rằng, nhiều người thường đặt thủy ở Minh Đường (là khoảng không trước nhà, nơi ánh sáng, không khí được luân chuyển dễ dàng, có thể là sân, vườn hoặc ao).
Về Loan Đầu, thì thủy là huyết mạch của Long, lưu động thông suốt cho cân mạch, khởi nguồn của thủy, nên được nhìn thấy từ Minh Đường và nằm trong thế chảy ngược lên, tức là lai thủy.
Theo phong thủy về Loan Đầu, người ta thường lấy thế căn theo tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, hậu Huyền Vũ, tiền Chu Tước và Minh Đường. Thường người ta sẽ đặt thủy trước nhà, ví dụ đào ao, làm hồ cá cảnh, đài phun nước, hoặc khi xây nhà thì hướng ra nơi có sông, hồ, ao.
Tuy nhiên, trên thực tế, có một số nhà hoặc cơ quan có ao đằng trước hoặc quay ra hướng có ao, hồ nhưng lại bị suy vong, hỏng về tài vận, công danh, trong khi một số nhà có ao đằng sau lại thịnh vượng, phát đạt. Vậy có phải là trái logic, không đúng quy luật?
- Dụng thủy cần linh hoạt như nước
Trên thực tế, người dân Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên đi lại bằng thuyền, ghe, thậm chí mở các quầy hàng, sạp hàng ở quay ra mặt sông, mặt nhà phía kia vẫn có đường bộ để mở cửa đi vào vào nhà.
Do tập quán buôn bán trên sông, nên họ thường đi vào nhà từ phía mặt sông nhiều hơn từ phía đường bộ. Như vậy, hướng nhà kiểu này là hướng quay ra sông, chứ không phải hướng quay ra đường. Hai trường hợp trên cho hai hướng ngược hẳn nhau.
Từ đó, chúng ta thấy, quan điểm lấy hướng cửa ra vào nhà làm hướng phong thủy là không hợp lý theo trường phái phong thủy Loan Đầu.
Với các dự án bất động sản có sông sau nhà, nếu tạo lối vào nhà từ phía sông, thì giao thông đường thủy, bộ có giá trị như nhau và thế hướng của nhà là hướng quay ra sông. Trường hợp này, cửa vào nhà ở đường bộ lại chỉ là cửa hậu. Như vậy, thủy đủ rộng lớn và căn theo địa thế sẽ làm thế, cũng như hướng của ngôi nhà thay đổi. Lúc này, sẽ quyết định đâu là cửa chính, đâu là cửa phụ của ngôi nhà.
Do đó, những gia đình có mảnh đất rộng vừa muốn xây nhà, vừa muốn đào ao, hoặc đã có ao, phải xem tổng thể thì mới quyết định vị trí nhà và ao ở đâu cho thịnh. Không cứ phải ao trước, sau, trái hay phải của ngôi nhà, cũng không phụ thuộc vào nguyên tắc của Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ.