Năm 2018 sẽ chứng kiến nhiều chính sách, quy định mới tác động đến thị trường bất động sản, trong đó có việc siết chặt nguồn vốn tín dụng, được chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản để xử lý nợ xấu…
Theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, các ngân hàng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản. Quy định này hứa hẹn tạo điều kiện để khởi động lại các dự án bất động sản là tài sản bảo đảm cho nợ xấu hiện đang “đắp chiếu”.
Tuy nhiên, các dự án bất động sản chỉ được chuyển nhượng để xử lý nợ xấu nếu đáp ứng đầy đủ 04 điều kiện: Dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất; Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền.
Siết chặt nguồn vốn tín dụng đổ vào bất động sản
Năm nay có thể sẽ là năm đáng lo đối với các doanh nghiệp bất động sản, do dòng chảy vốn tín dụng đổ vào thị trường bất động sản đang bị siết chặt hơn. Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 23/01/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các ngân hàng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh; hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Đặc biệt, theo yêu cầu của Thông tư số 19/2017/TT-NHNN, trong năm 2018, ngân hàng chỉ được duy trì tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 45%, thay vì 60% như các năm trước đây.
Trước tình trạng bị siết chặt tín dụng vào thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản sẽ phải tăng cường các giải pháp tìm nguồn vốn đầu tư.
Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà giá thấp
Trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2018 ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP , Chính phủ chủ trương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển nhà ở quốc gia, nhất là các chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng, đề xuất cơ chế chính sách, mô hình hợp lý để huy động nguồn lực thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; Khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê và nhà ở thương mại giá thấp tại một số thành phố lớn…
Đây là tín hiệu đáng mừng, tạo thêm động lực phát triển cho thị trường nhà ở giá thấp. Người dân có thu nhập thấp tại các thành phố lớn có thêm nhiều cơ hội được sở hữu nhà.